Vận Đơn Đích Danh (Straight Bill of Lading)

Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) là gì? Khi nào dùng vận đơn đích danh trong xuất nhập khẩu, logistics? Nghiệp vụ logistics sẽ cung cấp thông tin đầy đủ nhất về vận đơn đích danh trong bài viết sau đây.

1. Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) là gì?

Vận đơn là loại chứng từ quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, được lập bởi đơn vị vận chuyển nhằm xác định quyền sở hữu đối với hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển, ngoài ra nó còn được coi là một hợp đồng vận chuyển nhằm xác định quyền lợi và nghĩa vụ giữa nhà vận chuyển và các bên xuất khẩu, nhập khẩu.

Vận đơn đích danh hay tên tiếng Anh Straight Bill of Lading là vận đơn chỉ định rõ người nhận hàng, ghi rõ thông tin tên, địa chỉ của người nhận hàng. Đây là vận đơn không thể chuyển nhượng hoặc giao dịch quyền sở hữu, chỉ có người có thông tin trên vận đơn mới được nhận hàng. Loại vận đơn này không yêu cầu kèm theo lệnh giao hàng.

Để nhận được hàng hóa, người nhận phải cung cấp bản gốc vận đơn đích danh cho bên vận chuyển. Nếu bản gốc bị thất lạc, quy trình nhận hàng có thể bị chậm trễ hoặc gặp khó khăn, kéo dài hơn.

Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu. Vì vậy nó ít được sử dụng trong thực tế.

> Xem thêm: Vận Đơn Sạch Là Gì? Cách Nhận Biết Vận Đơn Sạch

Vận Đơn Đích Danh (Straight Bill of Lading)
Vận Đơn Đích Danh (Straight Bill of Lading)

2. Khi nào sử dụng vận đơn đích danh

Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) thường được sử dụng trong các giao dịch nội địa hoặc các giao dịch quốc tế giữa các bên tin cậy. Thông thường sử dụng ở các trường hợp sau:

+ Khi hàng hóa có giá trị thấp hoặc không yêu cầu chuyển nhượng quyền sở hữu.

+ Khi cần đảm bảo hàng được giao trực tiếp cho người nhận chỉ định.

+ Sử dụng trong các giao dịch đã thanh toán trước: không cần vận đơn để đảm bảo thanh toán.

+ Dùng trong các trường hợp quà biếu tặng, triển lãm, hoặc hàng hóa dùng vận chuyển nội bộ trong công ty.

Vận đơn đích danh (Straight B/L) là một công cụ hữu ích trong các giao dịch đơn giản, giúp bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sự an toàn trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) thường ít được sử dụng vì không linh hoạt như các vận đơn khác, không được chuyển nhượng, mua bán bằng phương pháp ký hậu thông thường nên chỉ sử dụng trong một số trường hợp nhất định.

>> Xem thêm: Học Xuất Nhập Khẩu Ở Đâu Tốt Nhất

3. Quy trình sử dụng vận đơn đích danh (Straight B/L hay Named B/L)

Lập vận đơn đích danh

– Người gửi hàng cung cấp thông tin chi tiết cho bên vận chuyển về họ tên, địa chỉ của người nhận hàng.

Nội dung chính của vận đơn đích danh sẽ chủ yếu bao gồm:

  • Tên người gửi hàng và người nhận hàng
  • Thông tin về phương tiện vận chuyển: biển số xe, tên tàu, số chuyến,…
  • Thông tin về hàng hóa (loại hàng, số lượng, trọng lượng, kích thước,…)
  • Thông tin về chi phí vận chuyển chính và phụ
  • Thời gian và địa điểm phát hành vận đơn
  • Ngày giờ giao hàng dự kiến và các điều khoản khác liên quan

Từ đó hãng vận chuyển tiến hành lập vận đơn đích danh với tên người nhận cụ thể được ghi rõ trên vận đơn.

Quy trình sử dụng vận đơn đích danh
Quy trình sử dụng vận đơn đích danh

– Giao vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) cho người nhận:

Sau khi vận đơn được lập, sẽ gửi bản gốc cho người nhận hàng qua đường bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh, hoặc thông qua ngân hàng trong trường hợp giao dịch liên quan đến thanh toán quốc tế.

Người gửi hàng lưu lại để sử dụng vận đơn đích danh này để đi nhận hàng

– Xuất trình vận đơn đích danh

Khi hàng hóa đã được vận chuyển tới địa điểm gian nhận trên vận đơn, người nhận hàng xuất trình bản gốc vận đơn đích danh cho hãng vận chuyển hoặc đại diện của họ tại cảng. Nếu đúng thông tin người nhận chỉ định trên vận đơn thì người nhận hàng về kho của mình.

– Nhận hàng

Khi nhận hàng cần kiểm tra hàng hóa có đúng số lượng, chất lượng như đã cam kết không. Nếu có sai sót, hư hỏng lập biên bản với bên vận chuyển tại thời điểm giao nhận đó.

4. Phân biệt Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) với vận đơn vô danh (to bearer B/L) và Vận đơn theo lệnh (To order B/L)

Nếu như vận đơn đích danh chỉ định rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng trên vận đơn và không có quyền chuyển nhượng thì 2 loại vận đơn vô danh và vận đơn theo lệnh được hiểu như sau:

Vận đơn vô danh (to bearer B/L)

– Là loại vận đơn mà trên đó để trống thông tin của người nhận hàng.
Ở ô thông tin người nhận hàng Consignee bỏ trống hoặc ghi “nameless”. Hoặc vận đơn vô danh là vận đơn theo lệnh ở mặt trước, nhưng được ký hậu vận đơn, không chỉ định ai là người nhận hàng, hưởng lợi tiếp theo

– Vận đơn vô danh (to bearer B/L) được chuyển nhượng bằng cách trao tay, người nào cầm vận đơn vô danh sẽ được quyền yêu cầu vận chuyển giao hàng hóa cho mình.

>> Xem thêm: Nội dung chi tiết của một Vận đơn (Bill of lading)

Vận đơn theo lệnh (To order B/L)

Là loại vận đơn không ghi thông tin tên và địa chỉ người nhận hàng mà chỉ ghi “to order” “theo lệnh” hoặc có ghi tên của người nhận hàng nhưng đồng thời ghi thêm “hoặc theo lệnh” (or to order). Người ra lệnh sẽ chỉ định ai là được quyền đi nhận hàng.

Trong phần người nhận hàng (Consignee), vận đơn theo lệnh (To order B/L) thường được ghi như sau:

To order of shipper: Theo lệnh của người gửi hàng.
To order of consignee: Theo lệnh của người nhận hàng.
To order of issuing bank: Theo lệnh của ngân hàng phát hành.

Vận đơn theo lệnh được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế nhờ tính chuyển nhượng linh hoạt. Là chứng từ thể hiện quyền sở hữu đối với hàng hóa ghi trên vận đơn. Người sở hữu hợp pháp vận đơn theo lệnh đồng nghĩa với việc nắm giữ quyền sở hữu hàng hóa.

Mỗi loại vận đơn có những ưu và nhược điểm riêng biệt và sử dụng trong các trường hợp khác nhau, tùy theo chủ đích của người gửi hàng.

Như vậy Nghiệp vụ logistics đã thông tin chi tiết tới bạn về vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) qua bài viết trên. Đây là loại vận đơn có tính bảo mật cao hơn nhưng thiếu tính linh hoạt. Nên chủ yếu được dùng trong những trường hợp hàng hóa phi mậu dịch. Doanh nghiệp nên sử dụng vận đơn đích danh khi không cần chuyển nhượng quyền nhận hàng hóa.

Nếu bạn cần tìm hiểu thêm về các loại vận đơn trong xuất nhập khẩu, nâng cao nghiệp vụ xuất nhập khẩu, logistics hãy tham gia các khóa học xuất nhập khẩu thực tế ngắn hạn để nhanh chóng nắm bắt những kiến thức thực tế cho mình. Nếu bạn cần hỗ trợ thông tin gì thêm về ngành xuất nhập khẩu, logistics hãy để lại bình luận bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ chi tiết tới bạn.

Xem thêm:

Rate this post

By

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *